Việc thành lập Hộ kinh doanh cá thể vào năm 2021 được triển khai trên cơ sở Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực thi nhành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 và Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ về Đăng ký doanh nghiệp có hiệu lực kể từ ngày 04/01/2021.
Khi thành lập Hộ kinh doanh thì cá nhân, thành viên hộ kinh doanh và cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản được áp dụng đó là “Nguyên tắc áp dụng trong Đăng ký hộ kinh doanh” được quy định tại Điều 84 Nghị định nói trên, cụ thể:
Thứ nhất: Hộ kinh doanh, người thành lập hộ kinh doanh tự kê khai hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh. Như vậy, người đăng ký kinh doanh là tự kê khai và tự chịu trách nhiệm về hồ sơ đăng ký kinh doanh trên các mảng vấn đề hợp pháp, trung thực và chính xác.
Thứ hai: Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của người thành lập hộ kinh doanh, hộ kinh doanh. Từ quy định nay ta thấy, cơ quan Đăng ký kinh doanh chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh còn các vấn đề khác như là sự vi phạm pháp luật của người thành lập hộ kinh doanh thì không thuộc trách nhiệm của cơ quan Đăng ký kinh doanh mà thuộc trách nhiệm của người kê khai theo nguyên tắc thứ nhất.
Thứ ba: Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện không giải quyết tranh chấp giữa các cá nhân trong hộ kinh doanh với nhau hoặc với tổ chức, cá nhân khác. Điều này thể hiện, việc có tranh chấp thì cơ quan giải quyết tranh chấp là Tòa án, không phải là cơ quan Đăng ký kinh doanh, cơ quan Đăng ký kinh doanh không chịu trách nhiệm giải quyết tranh chấp về các thành viên hộ kinh doanh hoặc các hộ kinh doanh đối với các tổ chức, cá nhân khác.
Thứ tư: Chủ hộ kinh doanh có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh theo quy định tại Điều 12 Nghị định này. Như vậy, chủ hộ kinh doanh được quy định rõ hơn về việc ủy quyền và người khác có thể nhận ủy quyền để làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Nội dung được thực hiện như sau:
Người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định sau đây:
Trường hợp ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân được ủy quyền. Văn bản ủy quyền này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.
Trường hợp ủy quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân người được giới thiệu.
Luật sư tư vấn pháp lý về Hộ kinh doanh
CÔNG TY LUẬT DOANH GIA
Điện thoại: 0904.779997 – 090.474.9996
Địa chỉ: Số 72 Ngô Gia Tự, Đức Giang, Long Biên, Hà Nội
Website: www.luatdoanhgia.com; Email: luatdoanhgia@gmail.com;