Theo quy định tại Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021 thì khi thực hiện việc hòa giải đối với các vụ án dân sự và đối thoại đối với các vụ án hành chính phải tuân theo các nguyên tắc sau
Nguyên tắc hòa giải đối thoại tại tòa án được quy định tại Điều 3 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Trước khi đi vào các nguyên tắc kể trên ta đi tìm hiểu việc hòa giải đối thoại tại Tòa án là gì?
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 2, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 thì: Hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Hòa giải viên tại Tòa án (sau đây gọi là Hòa giải viên) là người có đủ điều kiện, được Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để tiến hành hòa giải tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (sau đây gọi chung là vụ việc dân sự) và đối thoại khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020).
Tại Khoản 3, Điều 2, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định: Đối thoại tại Tòa án là hoạt động đối thoại do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính, nhằm hỗ trợ các bên tham gia đối thoại thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020.
Các nguyên tắc cụ thể như sau:
Nguyên tắc thứ nhất: Các bên tham gia hòa giải, đối thoại (sau đây gọi là các bên) phải tự nguyện hòa giải, đối thoại.
Nguyên tắc thứ hai: Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên; không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ.
Nguyên tắc thứ ba: Bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên.
Nguyên tắc thứ tư: Nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Nguyên tắc thứ năm: Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật theo quy định tại Điều 4 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Nguyên tắc thứ sáu: Phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc.
Nguyên tắc thứ bẩy: Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại độc lập và tuân theo pháp luật.
Nguyên tắc thứ tám: Tiếng nói và chữ viết dùng trong hòa giải, đối thoại là tiếng Việt. Người tham gia hòa giải, đối thoại có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; trường hợp này họ có thể tự bố trí hoặc đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch cho mình. Người tham gia hòa giải, đối thoại là người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật; trường hợp này phải có người biết ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật để dịch lại và họ cũng được coi là người phiên dịch.
Nguyên tắc thứ chín: Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong hòa giải, đối thoại.
Như vậy, việc hòa giải phải bảo đảm theo 9 nguyên tắc nêu trên, nếu vi phạm thì sẽ bị con là vi phạm nghiêm trọng trong quá trình hòa giải.
Luật sư hướng dẫn giải quyết tranh chấp
CÔNG TY LUẬT DOANH GIA
Điện thoại: 0904.779997 – 090.474.9996
Địa chỉ: Số 72 Ngô Gia Tự, Đức Giang, Long Biên, Hà Nội
Website: www.luatdoanhgia.com; Email: luatdoanhgia@gmail.com