Khi có bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng nhà đất thì có quyền thực hiện việc ngăn chặn chuyển nhượng nhà đất theo quy định của pháp luật về Tố tụng Dân sự cũng như Nghị quyết của Tòa án về thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời
Theo quy định tại Chương 8 của Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời thì tại Điều 121 quy định “Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” theo đó: Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp dược áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cư scho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác.
Thực hiện quyền yêu cầu này người yêu cầu phải căn cứ vào Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự theo đó:Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật Tố tụng Dân sự có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật Tố tụng Dân sự (Khoản 7, Điều 114 Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp) để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
Tại Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 09 năm 2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về Hướng dẫn quy định áp dụng các Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Tố tụng Dân sự có quy định:
Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật Tố tụng dân sự (sau đây gọi chung là đương sự) có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật Tố tụng dân sự trong những trường hợp sau đây:
a) Để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết mà cần phải được giải quyết ngay, nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của đương sự;
b) Để thu thập, bảo vệ chứng cứ của vụ án đang do Tòa án thụ lý, giải quyết trong trường hợp đương sự cản trở việc thu thập chứng cứ hoặc chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được;
c) Để bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, tức là bảo toàn mối quan hệ, đối tượng có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết;
Ví dụ: Trong vụ án ly hôn, người vợ đứng tên sổ tiết kiệm tại ngân hàng, người chồng yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản đứng tên người vợ để bảo đảm cho việc giải quyết phân chia tài sản chung của vợ chồng.
d) Để bảo đảm việc giải quyết vụ án hoặc thi hành án, tức là làm cho chắc chắn các căn cứ để giải quyết vụ án, các điều kiện để khi bản án, quyết định của Tòa án được thi hành thì có đầy đủ điều kiện để thi hành án.
Ví dụ: A là nguyên đơn, yêu cầu Tòa án buộc B phải trả cho A 1.000.000.000 đồng tiền vay, để bảo đảm cho việc thi hành án nên A yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản thuộc quyền sở hữu của B là ngôi nhà X trị giá 900.000.000 đồng.
Luật sư hướng dẫn khởi kiện và bảo vệ quyền lợi
CÔNG TY LUẬT DOANH GIA
Điện thoại: 0904.779997 – 090.474.9996
Địa chỉ: Số 72 Ngô Gia Tự, Đức Giang, Long Biên, Hà Nội
Website: www.luatdoanhgia.com; Email: luatdoanhgia@gmail.com