Ly hôn khi vợ hoặc chồng ở nước ngoài là trường hợp mà một bên vợ hay chồng ở nước ngoài nhưng nhiều trường hợp không rõ địa chỉ của bị đơn nên trong thực tiễn khi triển khai sẽ gặp những vướng mắc nhất định.
Để gỡ rỗi khi ly hôn trong đó có một bên bị đơn là người Việ Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản số 253/TNĐTC-PC hướng dẫn về Giải quyết vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ, nội dung cơ bản như sau:
Qua thực tiễn công tác xét xử, Tòa án nhân dân tối cao nhận được phản ánh của các Tòa án về vướng mắc trong việc giải quyết một số vụ án ly hôn giữa nguyên đơn là người Việt Nam ở trong nước với bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng nguyên đơn chỉ cung cấp được địa chỉ nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn mà không cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài. Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:
Thứ nhất: Vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài là một trường hợp đặc thù; quyền ly hôn là một trong các quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Do vậy, trường hợp người Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người Việt Nam ở nước ngoài và chỉ cung cấp được địa chỉ nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn mà không cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài, nếu thông qua thân nhân của bị đơn mà có căn cứ để xác định họ vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Tòa án thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết.
Như vậy, với trường hợp này, Tòa án khi giải quyết sẽ được áp dụng là trường hợp Bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp các tài liệu cần thiết để làm căn cứ xử lý.
Thứ hai: Nếu Tòa án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung.
Như vậy, với quy định như thế này Tòa án có quyền đưa ra xét xử vắng mặt bị đơn theo quy định chung về việc xét xử vắng mặt tại Bộ luật Tố tụng dân sự.
Thứ ba: Sau khi xét xử, Tòa án cần gửi ngay cho thân nhân của bị đơn bản sao bản án hoặc quyết định để những người này chuyển cho bị đơn, đồng thời tiến hành niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bị đơn cư trú cuối cùng và nơi thân nhân của bị đơn cư trú để đương sự có thể sử dụng quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng.
Trên đây là ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao để các Tòa án nhân dân nghiên cứu, tham khảo trong quá trình giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền.
Luật sư hướng dẫn các thủ tục về Ly hôn
CÔNG TY LUẬT DOANH GIA
Điện thoại: 098.112.9988 – 0904.779997
Địa chỉ: Số 72 Ngô Gia Tự, Đức Giang, Long Biên, Hà Nội
Website: www.luatdoanhgia.com; Email: luatdoanhgia@gmail.com