Hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia vào quá trình phát triển kinh doanh và được nhân danh mình tham gia các quan hệ kinh tế, các giao dịch, hợp đồng
Vậy! Hộ kinh doanh theo Luật năm 2021 là gì?
Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021, theo đó Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp quy định Hộ kinh doanh như sau:
Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trò trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương (Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP).
Hướng dẫn: Đăng ký hộ kinh doanh
Tư cách pháp nhân là gì?
Để xem Hộ kinh doanh có tư cách pháp nhân hay không thì ta tìm hiểu quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 74) quy định về pháp nhân như sau:
Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, luật khác có liên quan;
– Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
– Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Hộ kinh doanh là hoạt động thương mại và có thể là thương mại hàng hóa hoặc thương mại dịch vụ, do đó cần xem xét pháp nhân thương mại là gì?
Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Hộ kinh doanh có tư cách pháp nhân không? Trước hết ta xem từng đặc điểm của pháp nhân:
Thứ nhất: Được thành lập theo quy định của pháp luật. Về dấu hiệu này thì Hộ kinh doanh được thành lập do Cơ quan Đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh do đó cũng là có được thành lập theo quy định của pháp luật và đáp ứng được yêu cầu này.
Xem thêm: Thành lập hộ kinh doanh
Thứ hai: Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật Dân sự năm 2015 đó là: Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật. Hộ kinh doanh thì không có Điều lệ hoặc nhiệm vụ quyền hạn không được ghi trong quyết định thành lập mà chỉ có Đăng ký kinh doanh nên đối chiếu quy định này thì Hộ kinh doanh không đáp ứng đủ điều kiện là pháp nhân.
Thứ ba: Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Hộ kinh doanh thì không có tài sản độc lập mà số vốn ghi trong đăng ký kinh doanh là do chủ hộ tự kê khai, hộ kinh doanh lại phải chịu trách nhiệm toàn bộ bằng tài sản của chủ hộ hoặc thành viên hộ kinh doanh nên không đáp ứng yêu cầu này.
Xem thêm: Số vốn tối thiểu thành lập Hộ kinh doanh
Thứ tư: Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. Dấu hiệu này thì Hộ kinh doanh đáp ứng được bởi vì Hộ kinh doanh là một trong những tổ chức hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại, theo đó có thể hoạt động thương mại hàng hóa (Kinh doanh, mua bán hàng hóa…) hoặc thương mại dịch vụ. Tham gia tố tụng với tư cách đương sự, là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án do các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện.
Từ các đặc điểm trên cho thấy, Hộ kinh doanh không phải là pháp nhân, pháp nhân thương mại
Xem thêm: Chủ hộ kinh doanh
Tư cách pháp lý của Hộ kinh doanh
Tư cách pháp lý của hộ kinh doanh chính là việc pháp luật quy định về hộ kinh doanh, điều này được thể hiện trong Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về Đăng ký kinh doanh (chương VIII) như sau:
Quy định về Hộ kinh doanh theo Điều 79 của Nghị định
Quyền thành lập hộ kinh doanh và nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh
Quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình nếu hộ gia đình đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh
Quy định về giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, việc cấp mã số đăng ký kinh doanh, các nguyên tắc áp dụng trong việc đăng ký hộ kinh doanh, hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cũng như trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh.
Các quy định về hoạt động của hộ kinh doanh như ngành nghề kinh doanh, việc tạm ngừng kinh doanh, việc tiếp tục kinh doanh, thay đổi nội dung kinh doanh hay chấm dứt hộ kinh doanh…
Xem thêm: Tạm ngừng kinh doanh
Tất cả các vấn đề pháp lý nêu trên đều quy định về địa vị pháp lý của hộ kinh doanh, ngoài ra các quy định của Bộ Luật dân sự, Luật thương mại và Luật Doanh nghiệp cũng ghi nhận hộ kinh doanh là một trong những chủ thể hoạt động kinh doanh tham gia vào hoạt động kinh doanh.
CÔNG TY LUẬT DOANH GIA
Địa chỉ: Số 72 Ngô Gia Tự, Đức Giang, Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 0904.779997; Email: luatdoanhgia@gmail.com;
Website: www.luatdoanhgia.com; www.luatdoanhgia.vn