Đầu thú và tự thú có khác nhau không

0
1634
Bạn ducthinh@gmail có hỏi em trai tôi vi phạm pháp luật và gia đình tôi động viên, khuyên bảo đến công an trình diện, nhưng khi đến chỉ được lập biên bản đầu thú. Vậy đầu thú và tự thú có khác nhau không? Cái nào tốt hơn?
Về câu hỏi của bạn Luật Doanh Gia tư vấn như sau:
Chế định về Đầu thú và Tự thú có sự khác nhau và được định nghĩa rõ ràng trong Bộ luật Tố tụng hình sự, cụ thể như sau:
Tự thú: Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện (điểm h, khoản 1, Điều 4 Bộ luật TTHS năm 2015).
Như vậy, tự thú là tự nguyện khai báo về hành vi phạm tôi trước khi bị phát hiện ra hành vi phạm tội của mình hoặc trước khi người phạm tội bị phát hiện.
Đầu thú: Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình. Do đó đầu thú là đã bị phát hiện nhưng chưa đến mức phải khởi tố và truy nã mà người phạm tội tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.
Tự thú thì trách nhiệm hình sự sẽ ra sao? Theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự có quy định:
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
  1. a) ….
  2. c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận”.
Ngoài ra, tại điểm r, khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự cũng quy định người tự thú là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự r) Người phạm tội tự thú”.
Đặc biệt phần tội phạm cụ thể tại Điều 110 quy định về Tội gián điệp, thì khoản 4 Điều này quy định:
4. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này”.
Trong trường hợp này được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.
Một trong những vai trò quan trọng của việc Tự thú cũng được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước quy định tại Điều 3 Bộ luật Hình sự, cụ thể:
“… Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra…”
Đầu thú được áp dụng như thế nào?
Thứ nhất, việc đầu thú cũng được áp dụng các chính sách khoan hồng của Nhà nước như tự thú và được quy định tại ĐIều 3 Bộ luật Hình sự như đã nêu ở trên.
Đầu thú còn có thể áp dụng là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự, cụ thể:
2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án”.
Ngoài ra việc đầu thú cũng được tính làm căn cứ xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Hình sự nếu người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ”.
Như vậy, trên cơ sở hiểu rõ về Tự thú và Đầu thú sẽ là căn cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội.
Luật sư bào chữa và bảo vệ quyền lợi tại Tòa án
CÔNG TY LUẬT DOANH GIA
Điện thoại: 098.112.9988 – 0904.779997
Email: luatdoanhgia@gmail.com; Wbsite: www.luatdoanhgia.com
Địa chỉ: Số 72 Ngô Gia Tự, P.Đức Giang, Q.Long Biên, TP.Hà Nội.