Đặt cọc nhà đất đúng luật

0
860
Khi mua bán nhà đất, nhà chung cư và các bất động sản, người mua, người bán thường quan tâm đến việc viết đặt cọc thế nào cho đúng luật và mình không bị lật kèo, dưới đây, Luật Doanh Gia hướng dẫn cách viết đặt cọc đúng quy định:
Trước hết phải hiểu đặt cọc là gì? và theo quy định tại Khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện các nghĩa vụ đã giao kết với nhau.
Như vậy, đặt cọc là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, do đó các nghĩa vụ phải được cụ thể hóa, ví dụ: Hợp đồng mua bán trong tương lai là gì, đất hay nhà, địa chỉ, số tờ, số thửa, diện tích, giá cả, thuế, phí và lệ phí… thời hạn ký kết hợp đồng và trách nhiệm nếu bên nào vi phạm. Trong trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền;
Xem thêm: Các trường hợp Đặt cọc bị vô hiệu
– Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc;
– Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. (Quy định tại khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự)
Khi lập đặt cọc, có thể là giấy đặt cọc hoặc hợp đồng đặt cọc hoặc giấy tờ cảm kết, miễn là văn bản bằng chữ thể hiện nội dung cam kết và các nghĩa vụ trong tương lai nêu trên, các bên cũng cần quan tâm đến quyền và nghĩa vụ của các bên, cụ thể như:
Quyền và nghĩa của bên đặt cọc:
– Yêu cầu bên nhận đặt cọc ngừng việc khai thác, sử dụng hoặc xác lập giao dịch dân sự đối với tài sản đặt cọc; thực hiện việc bảo quản, giữ gìn để tài sản đặt cọc không bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị;
– Trao đổi, thay thế tài sản đặt cọc hoặc đưa tài sản đặt cọc tham gia giao dịch dân sự khác trong trường hợp được bên nhận đặt cọc đồng ý;
– Thanh toán cho bên nhận đặt cọc chi phí hợp lý để bảo quản, giữ gìn tài sản đặt cọc.
– Thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật để bên nhận đặt cọc được sở hữu tài sản đặt cọc và các quyền và các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
Tươn tự, bên nhận đặt cọc cũng có các quyền và nghĩa vụ sau:
– Yêu cầu bên đặt cọc chấm dứt việc trao đổi, thay thế hoặc xác lập giao dịch dân sự khác đối với tài sản đặt cọc khi chưa có sự đồng ý của bên nhận đặt cọc;
– Sở hữu tài sản đặt cọc trong trường hợp bên đặt cọc vi phạm cam kết về giao kết, thực hiện hợp đồng;
– Bảo quản, giữ gìn tài sản đặt cọc;
– Không xác lập giao dịch dân sự, khai thác, sử dụng tài sản đặt cọc khi chưa có sự đồng ý của bên đặt cọc và các quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
Khi cần hỗ trợ của luật sư, bạn có thể liên hệ Luật Doanh Gia (www.luatdoanhgia.com) để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời cũng như an toàn về pháp lý.
CÔNG TY LUẬT DOANH GIA
Địa chỉ: Số 72 Ngô Gia Tự, Long Biên, Hà Nội; Đt: 0904.779997
Website: www.luatdoanhgia.com; Email: luatdoanhgia@gmail.com