9 bước khởi kiện tranh chấp

0
1619

Để Tòa án thụ lý và giải quyết vụ án, theo quy định tại Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 thì việc thụ lý đơn và quy trình được xử lý theo 9 bước cơ bản sau.

9 bước thực hiện quy trình xử lý đơn được cụ thể hóa tại Điều 16 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020, cụ thể như sau:

Bước 1: Người khởi kiện, người yêu cầu gửi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính kèm theo tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Điều 190 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 119 của Luật Tố tụng hành chính.

Như vậy, nếu khởi kiện Dân sự thì theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự còn khởi kiện Hành chính thì theo quy định tại Điều 119 Luật Tố tụng hành chính.

Bước 2: Tòa án nhận đơn, vào sổ nhận đơn, xác nhận việc nhận đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 191 của Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 1 Điều 121 của Luật Tố tụng hành chính. Việc nhận đơn nếu là Dân sự thì theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và nếu là hành chính thì theo quy định của tố tụng hành chính.

Bước 3: Quy định về thời hạn sau khi nhận đơn: Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 4, 6 và 7 Điều 19 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì Tòa án thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện, người yêu cầu biết về quyền được lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (cụ thể là những trường hợp không được hòa giải, đối thoại ví dụ như: Bồi thường thiệt hại liên quan đến tài sản của nhà nước hay một trong các bên đương sự bị mất năng lực hành vi dân sự hay vụ việc phát sinh từ giao dịch trái pháp luật…).

Bước 4: Quy định về thời hạn xử lý đơn: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, người khởi kiện, người yêu cầu tại khoản 3 Điều 16 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải trả lời bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác cho Tòa án biết về những nội dung đã được Tòa án thông báo.

Trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu trực tiếp đến Tòa án trình bày ý kiến thì Tòa án lập biên bản ghi nhận ý kiến; biên bản có chữ ký hoặc điểm chỉ của họ. Hết thời hạn này thì tùy từng trường hợp, Tòa án xử lý như sau:

Thứ nhất: Phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này nếu người khởi kiện, người yêu cầu có ý kiến đồng ý hòa giải, đối thoại;

Thứ hai: Chuyển đơn để xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng nếu người khởi kiện, người yêu cầu có ý kiến không đồng ý hòa giải, đối thoại;

Thứ ba: Thông báo lại lần thứ hai cho người khởi kiện, người yêu cầu biết để thực hiện quyền lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên nếu người này chưa có ý kiến trả lời.

Bước 5: Nếu quá thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo lần thứ hai quy định tại điểm c khoản 4 Điều 16 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án mà người khởi kiện, người yêu cầu vẫn không trả lời thì Tòa án phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Bước 6: Trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu đồng ý hòa giải, đối thoại theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 16 hoặc trường hợp họ không trả lời Tòa án theo quy định tại khoản 5 Điều 16 thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại chỉ định Hòa giải viên theo quy định tại Điều 17 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Bước 7: Tòa án thông báo bằng văn bản về việc chuyển vụ việc sang hòa giải, đối thoại và văn bản chỉ định Hòa giải viên cho Hòa giải viên, người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp Hòa giải viên được lựa chọn thuộc danh sách Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác thì văn bản chỉ định Hòa giải viên phải được gửi cho Tòa án đó.

Bước 8: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án quy định tại khoản 7 Điều 16, người bị kiện phải trả lời bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác về việc đồng ý hoặc không đồng ý tiến hành hòa giải, đối thoại. Hết thời hạn này thì tùy từng trường hợp mà xử lý như sau:

Thứ nhất:  Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại nếu người bị kiện đồng ý hòa giải, đối thoại hoặc không trả lời Tòa án;

Thứ hai: Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại chỉ định Hòa giải viên khác nếu người bị kiện đề nghị thay đổi Hòa giải viên;

Thứ ba: Tòa án chuyển đơn để xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng nếu người bị kiện không đồng ý hòa giải, đối thoại.

Bước 9: Thời gian nhận, giải quyết đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định của Luật này không tính vào thời hiệu khởi kiện, thời hạn xử lý đơn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính nếu vụ việc được giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng.

Luật sư hướng dẫn giải quyết tranh chấp

CÔNG TY LUẬT DOANH GIA

Điện thoại: 0904.779997 – 090.474.9996

Địa chỉ: Số 72 Ngô Gia Tự, Đức Giang, Long Biên, Hà Nội

Website: www.luatdoanhgia.com; Email: luatdoanhgia@gmail.com